Truy cập nội dung luôn
Đăng nhập

HUYỆN ĐỊNH HÓA TỈNH THÁI NGUYÊN

Lịch sử xã Quy Kỳ

2021-01-05 20:36:00.0

 

BỐI CẢNH RA ĐỜI CỦA CHI BỘ XÃ AN LẠC, CHI BỘ ĐẢNG ĐẦU TIÊN

 (30/10/1946) XÃ QUY KỲ

 

BỐI CẢNH LỊCH SỬ

Tên gọi: Nơi thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên (30/10/1946) xã Quy Kỳ, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên.

Sự kiện nhân vật lịch sử, đặc điểm:

Ngày 2/9/1945, Cách mạng Tháng Tám thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ra đời. Nhà nước non trẻ phải đối mặt với nhiều khó khăn. Các thế lực thù trong, giặc ngoài âm mưu tiêu diệt Đảng Cộng sản, lật đổ chính quyền cách mạng. Đây cũng là thời điểm đánh dấu sự đi lên không ngừng, sau thành công của cuộc tổng tuyển cử bầu Quốc Hội, theo chủ trương của Chính Phủ, một số xã trong huyện Định Hóa được sắp xếp lại cho phù hợp với tình hình mới. Chấp hành Chỉ thị của Ủy ban Nhân dân cách mạng lâm thời huyện, tháng 2/1946, xã Quy Triều và xã Phượng Vĩ Hạ được sáp nhập với xã Linh Đàm thành xã An Lạc; đồng thời tiến hành bầu cử Hội đồng Nhân dân theo địa bàn xã mới.

Quán triệt Sắc lệnh số 63/SL ngày 22/11/1945 của chủ tịch Chính Phủ lâm thời về việc bầu cử Hội đồng Nhân dân các cấp, xã và tỉnh ngày 8/2/1946, Nhân dân xã An Lạc tham gia bầu cử Hội đồng Nhân dân 2 cấp tỉnh và xã. Sau khi cuộc bầu cử Hội đồng Nhân dân diễn ra thành công, Hội đồng Nhân dân đã bầu ra Ủy ban Hành Chính thay thế cho Ủy ban Nhân dân Cách mạng lâm thời. Theo đó, Ủy ban Hành Chính xã An Lạc do đồng chí Lường Văn Lý giữ chức Chủ tịch, đồng chí Lưu Viết Kinh và Hoàng Văn Định giữ chức Phó chủ tịch.

Mặt trận Việt Minh và các tổ chức quần chúng được củng cố, Mặt trận Việt Minh xã An Lạc do đồng chí Phan Thanh Thư làm chủ nhiệm. Nông hội do ông Lý Văn Quang phụ trách; Hội Phụ Nữ do bà Hoàng Thị Tâm phụ trách; ông Ma Văn Thịnh đảm nhiệm công tác Thanh Niên.

Ngày 26/6/1946 theo Quyết định số 08 của Tỉnh ủy Thái Nguyên Đảng bộ huyện Đinh Hóa đã cử các đồng chí Hà Văn Cam (Chủ nhiệm Việt minh huyện Định Hóa) mà các đồng chí Lý Văn Sinh,Trần Đức Ký, Nông Văn Chử, về xã An Lạc tuyên truyền xây dựng tổ chức cơ sở Đảng.

Ngày 30/6/1946 đồng chí Trần Ngọc Phái được kết nạp vào Đảng. Đồng thời lập ra tổ Đảng xã An Lạc gồm 3 đảng viên: Lý An Sinh, Trần Đức Ký và Trần Ngọc Phái do đồng chí Trần Đức Ký phụ trách. Tổ Đảng xã An Lạc có nhiệm vụ tiếp tục tuyên truyền phát triển Đảng ở địa phương, tháng 10/1946 tổ Đảng xã An Lạc kết nap thêm 4 đồng chí gồm: Lường Văn Lý, Hoàng Văn Tuyền (tức An Thành) Nông Thị Ty (tức Mai Hương) và Lường Đình Thịnh.

Ngày 30/10/1946 các đồng chí Lý An Sinh và Trần Đức Ký đã triệu tập cuộc hop tại nhà đồng chí Lường Đình Thịnh (xóm Bản Pấu) nay là xóm Hương Bảo 3 để công nhận Đảng viên chính thức cho đồng chí Trần Ngọc Phái, đồng thời tuyên bố thành lập Chi bộ xã An Lạc với 5 Đảng viên do đồng chí Trần Ngọc Phái làm Bí thư.

Sự ra đời của Chi bộ xã An Lạc là sự kiện chính trị quan trọng, có ý nghĩa to lớn đối với phong trào cách mạng địa phương. Sau hơn một năm xây dựng và củng cố chính quyền cách mạng, cán bộ đảng viên và Nhân dân trong xã tích cực thực hiện 3 nhiệm vụ lớn là diệt “Giặc đói, giắc dốt và giặc ngoại xâm” do Đảng và Chính Phủ phát động, chính quyền cách mạng được bảo vệ, giữ vững và ngày càng được củng cố vững mạnh. Việc thành lập chi bộ là một bước phát triển lớn, đánh dấu sự trưởng thành và lớn mạnh của tổ chức Đảng ở địa phương.

Gía trị lịch sử: Là một bước phát triển lớn, đánh dấu sự trưởng thành và lớn mạnh của tổ chức Đảng ở địa phương có giá trị lịch sử cách mạng.

Cuốn Lịch sử Đảng Bộ xã Quy Kỳ giai đoạn (1946 – 2016) xuất bản năm 2018, trong đó ghi lại Lịch sử nơi thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên (30/10/1946) trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp ở xóm Bản Pấu (nay là xóm Hương Bảo 3). Nội dung cuốn sách cũng đăng nhiều ảnh tư liệu phản ánh về sự ra đời và trưởng thành của nơi thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên (30/10/1946) trong kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, chống đế qốc Mỹ và giai đoạn sau này. 

Giá trị văn hóa: Di tích nằm trong vùng An toàn khu huyện Định Hóa đã được Chính phủ công nhận từ năm 2001, thuộc căn cứ cách mạng kháng chiến từ năm 1946 – 1954 nơi chủ yếu là địa bàn cư trú của đồng bào dân tộc Tày, Sán Chay có vốn văn hóa lâu đời, có truyền thống cách mạng quý báu từ xưa tới nay vẫn được duy trì, đó là nơi bảo tồn được giá trị văn hóa dân tộc.

Nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử, góp phần giáo dục truyền thống tốt đẹp cho các thế hệ đặc biệt là thế hệ trẻ. Đảng ủy xã đã xây dựng Nghị quyết để HĐND làm cơ sở ban hành Nghị Quyết về quy hoạch, tôn tạo, xây dựng Bia là điểm di tịch của địa phương.

SỰ KIỆN, NHÂN VẬT LỊCH SỬ TRUYỀN THỐNG VĂN HÓA

Ngày 2/9/1945, Cách mạng Tháng Tám thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ra đời. Các thế lực thù trong, giặc ngoài âm mưu tiêu diệt Đảng Cộng sản, lật đổ chính quyền cách mạng. Trong bối cảnh chính trị - xã hội ấy báo chí cũng hoạt động trong điều kiện mới. Đây cũng là thời điểm đánh dấu sự đi lên không ngừng, đưa dòng báo chí cách mạng bước sang một giai đoạn phát triển mới. Những tờ báo cách mạng ra đời trước tháng 8/1945 tiếp tục phát triển và trở thành nòng cốt trong hệ thống báo chí của thời kỳ này như báo Cứu quốc, Sự thật, Độc lập, Lao động...

Ngày 8/9/1946, Tổng Bí thư Trường Chinh cho thành lập nhà in Tiến Bộ là cơ sở quan trọng nhất của Đảng trong ngày đầu cách mạng. Ngay từ khi ra đời nhà in Tiến Bộ đã in Báo Sự Thật, các loại báo cách mạng và tài liệu số lượng lớn nhằm tuyên truyền cho các cơ quan của Đảng và quần chúng nhân dân trong cả nước.

Sau lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến ngày 19/12/1946, Trung ương Đảng và Chính phủ đã quyết định sơ tán các cơ quan, nhà máy và nhân dân rời khỏi Hà Nội. Nhà in Tiến Bộ sơ tán theo đường qua Phú Thọ lên chiến khu Việt Bắc.

Đầu năm 1947, nhà in Tiến Bộ đóng ở huyện Phù Ninh (Phú Thọ) chia làm 2 bộ phận. Một bộ phận theo đường Tuyên Quang vượt Đèo Khế đến An toàn khu (ATK) Định Hóa, Thái Nguyên. Nhà in Tiến Bộ đã vận chuyện máy móc, làm nhà xưởng tại xóm Khuôn Nhà, xã An Lạc (nay là xã Quy Kỳ) huyện Định Hóa đã được cán bộ và nhân dân địa phương hết lòng giúp đỡ ổn định về chỗ ở, làm việc.  Sau một thời gian thi công đầu tháng 6 năm 1947 nhà in bắt đầu cho ra tờ báo Sự Thật “mang tiếng nói của Đảng đi khắp nơi, soi đường chỉ lối cho đồng bào cả nước phấn chấn bước vào cuộc kháng chiến, tin tưởng vào Bác Hồ kính yêu, linh hồn của cuộc kháng chiến …”

Để đảm bảo bí mật cho nhà in trong thời kỳ này nhà in Tiến Bộ đã lấy tên là nhà in Hồng Phong có bí danh là Ấn 1.

Ngày 7/10/1947, giặc Pháp điên cuồng mở chiến dịch tấn công lên Việt Bắc nhằm “tát ao bắt cá” tiêu diệt các đồng chí lãnh tụ của Đảng lãnh đạo cuộc kháng chiến, chia cắt chiến khu Việt Bắc. Trước tình thế đó, sau gần 4 tháng đi vào hoạt động in, xuất bản. Để đảm bảo bí mật và phục vụ kháng chiến, nhà in Hồng Phong được sự giúp đỡ của lãnh đạo và nhân dân huyện Định Hóa tháo dỡ máy móc, nhà xưởng đến nơi kín đáo cách nơi ban đầu chừng 3 km phía Tây Bắc thuộc Bản Chang (nay là xóm Sự Thật) tổ chức bảo vệ chiến đấu vừa xây dựng nhà xưởng để kịp thời sản xuất, in ấn. Tức là chuyển sâu vào trong núi thuộc xóm Khuôn Câm tránh bị lộ.

Sau chiến thắng Thu Đông năm 1947, thắng lợi giặc Pháp rút khỏi Việt Bắc, nhà in Hồng Phong tuy sơ tán trong rừng sâu rất khó khăn  thiếu thốn nhưng có nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật đã khắc phục, sản xuất đi vào ổn định. Báo Sự Thật, các tài liệu, các sách về chủ nghĩa Mác – Lê nin, sách của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước như: “Đánh thắng địch, lập chiến công”, “Rèn cán chính quân” của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, “Sửa đổi lề lối làm việc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, “Chủ nghĩa Mác và văn hóa Việt Nam” của Tổng Bí thư Trường Chinh … được in ấn kịp thời phục vụ đắc lực kháng chiến chống Pháp.

Tại nơi sơ tán, nhiều con em dân tộc Tày, Dao quanh nhà in và một số cháu thiếu nhi ở “Trại thiếu nhi cháu ngoan Bác Hồ” ở Nà Lọm, xã Phú Đình được nhận vào học nghề, đào tạo thành công nhân phục vụ cho nhà in sau này đã trở thành các cán bộ đảng viên cốt cán của Công ty in Tiến Bộ và công tác ở nhiều tỉnh.

Để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao cho việc in báo Sự Thật và các sách, tài liệu của Đảng, Chính phủ. Ngày 1/5/1948, Trung ương Đảng chỉ đạo mở cuộc hội nghị đặc biệt quan trọng tại nhà in Hồng Phong đó là “Hội nghị Sự  Thật” bàn về việc củng cố các cơ sở in sơ tán của xưởng in Tiến Bộ như: Tô Hiệu (Ấn 2) ở huyện Chợ Đồn (Bắc Kạn), nhà in Việt Hưng, xưởng giấy Huỳnh Thúc Kháng … bàn biện pháp đưa báo vào miền nam, đào tạo công nhân, từ đó phát triển việc in báo Đảng ra các liên khu kháng chiến: Khu III, khu IV, khu Tả Ngạn  …

Cơ sở in báo Sự Thật là cơ quan tuyên truyền duy nhất của Trung ương Đảng trong thời kỳ đầu của cuộc kháng chiến, nhà in có Chi bộ Đảng do đồng chí Hoàng Quế làm Bí thư. Lãnh đạo chung Trị sự báo, nhà in và giao thông phát hành là đồng chí Phạm Văn Khoa, Nguyễn Lương Hoàng, và Lê Đăng Ninh (xem ảnh tư liệu kèm theo), luôn được sự giúp đỡ, quan tâm của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Chính phủ như Tổng bí thư Trường Chinh, Võ Nguyên Giáp, Hoàng Quốc Việt, Lê Đức Thọ…

Đại hội toàn quốc lần thứ II của Đảng đã được tổ chức tại xã Vinh Quang, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang diễn ra từ ngày 11 đến ngày 19/2/1951 thông qua Tuyên ngôn, Chính cương, Điều lệ của Đảng. Để phù hợp với tình hình trong nước, tập hợp được đông đảo mọi tầng lớp nhân dân, Đảng lấy tên là Đảng Lao động Việt Nam. Đồng chí Trường Chinh được bầu làm Tổng Bí thư. Nghị quyết của Đại hội Đảng chỉ rõ, tờ báo Sự Thật đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử, nay thay thế bởi tờ Nhân Dân ''để tuyên truyền chủ nghĩa và động viên đảng viên và quần chúng nhân dân thực hành chính sách của Đảng''.

Ngày 11/3/1951, báo Nhân Dân ra số đầu tiên và được in ấn tại xóm Khuôn Nhà, xã An Lạc (nay là xã Quy Kỳ), huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên. Tổng biên tập báo Nhân Dân là đồng chí Tổng Bí thư Trường Chinh. Báo Nhân Dân số đầu gồm có 6 trang. Ngay trên trang nhất in trang trọng Tuyên ngôn của Đảng Lao động Việt Nam, bài của Tổng Bí thư Trường Chinh với tiêu đề ''Hồ Chủ tịch người sáng lập, rèn luyện và lãnh đạo Đảng ta'' và bài ''Bàn về cách mạng Việt Nam''. Đây là loạt bài có tính tổng hợp, chỉ đạo, vạch rõ đường lối cách mạng khi đất nước có chiến tranh. (xem ảnh và tư liệu kèm theo). Theo tư liệu: ATK Định Hóa – Thái Nguyên và sự phát triển của báo chí cách mạng Việt Nam – NXB Thời Đại, 2012, Từ điển Thái Nguyên (Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thái Nguyên – NXB Văn học năm 2016), “Về nguồn” nơi Báo Nhân Dân ra số đầu của Thủy Nguyên, Báo Nhân Dân điện tử thứ Sáu, 06/04/2018, Mãi xứng đáng với niềm tin yêu của bạn đọc (Kỷ niệm 65 năm báo Nhân Dân ra số đầu (11-3-1951 – 11-3-2016) : Theo BAN BẠN ĐỌC/nhandan/Thứ Năm, 10/03/2016, Báo Nhân Dân tổ chức về nguồn (Ngọc Sơn) Báo Thái Nguyên 13/6/2005, Về nơi cội nguồn – Vân Long (Nhân dân cuối tuần 21/6/2005).

Trong những số đầu, Nhân dân phát hành mỗi kỳ gần 2 vạn bản. Ban biên tập báo gồm 8 đồng chí: Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Hoàng Quốc Việt, Lê Văn Lương, Nguyễn Chí Thanh, Trần Quang Huy, Hà Xuân Trường, Quang Đạm, được thành lập theo Nghị quyết số 26-NQ/TW của Bộ Chính trị. Đồng chí Trường Chinh làm chủ nhiệm, phụ trách chung, Trần Quang Huy làm thư ký ban biên tập. Lúc này, do Đảng chưa có điều kiện ra tạp chí, nên báo Nhân dân, ngoài chức năng thông tin, còn đảm trách thêm nội dung lý luận nhằm tuyên truyền sâu rộng tới các cấp uỷ về công tác xây dựng Đảng, bồi dưỡng, giáo dục lý tưởng cộng sản cho cán bộ, đảng viên, tổ chức, phát triển chi bộ cơ sở từ thấp đến cao… Báo lấy tên Nhân dân một mặt để khắc phục tên hệ thống báo Đảng của những giai đoạn trước thường mang tính giai cấp nặng nề như Dân cày, Lao khổ, mặt khác là nhằm thể hiện ý chí của cách mạng là phục vụ nhân dân.

Kể từ khi báo Nhân dân ra đời cho đến khi kết thúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Đảng ta đã ban hành nhiều văn bản, chỉ thị, nghị quyết về việc xây dựng mạng lưới thông tin viên, yêu cầu các đồng chí uỷ viên trung ương, lãnh đạo các ban, ngành, địa phương viết bài cho báo, coi đây như là quyền lợi, trách nhiệm, nghĩa vụ của các đảng viên, đồng thời các cấp uỷ đảng phải có nhiệm vụ chuyển báo đến từng chi bộ. Phong trào đọc và làm theo báo Đảng được phát động ở hầu khắp các vùng kháng chiến. Thậm chí một số người dân vùng tạm chiếm từ nhiều nguồn khác nhau cũng có trong tay tờ Nhân dân, bí mật truyền cho nhau đọc. Càng về sau báo Nhân dân không chỉ phục vụ riêng đối tượng cán bộ, đảng viên nữa mà dần trở thành món ăn tinh thần chung của toàn dân.

Ngoài những trang mục đề cập đến tin tức trong và ngoài nước, xã luận, bình luận quen thuộc, báo Nhân dân thời kỳ kháng chiến chống Pháp còn có những chuyên mục rất gây ấn tượng với bạn đọc như ''Nói và nghe'', ''Mũi tên nhọn'', “Bảng vàng thi đua'', ''Ý kiến bạn đọc'', ''Trả lời bạn đọc''... Trong số này, các chuyên mục ''Nói và nghe'', ''Mũi tên nhọn'' có tính  chiến đấu cao, thường đăng bài của các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước hoặc của những cây bút dày dặn kinh nghiệm nghề nghiệp, có quan điểm, lập trường vững vàng. Theo con số thống kê chính thức, tính đến ngày 14/10/1954, riêng trong mục ''Nói và nghe'' đã đăng 236 bài của Bác Hồ qua bút danh CB. Việc làm gương mẫu này của Bác đã được nhiều nhà lãnh đạo cao cấp noi theo. Các đồng chí Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Lê Thanh Nghị, Tố Hữu cũng thường xuyên có bài gửi cho Nhân dân, tạo nên phong trào viết cho báo Đảng trong cán bộ, chiến sĩ và quần chúng nhân dân. Đây là nguyên nhân làm cho tờ báo có sự phong phú về giọng điệu, phong cách, màu sắc trong khi vẫn tuân thủ nghiêm ngặt tôn chỉ mục đích của mình. Cũng như nhiều tờ báo Đảng trước đó, Nhân dân rất năng động, bám sát mọi diễn biến của thời cuộc. Tuỳ theo tình hình chiến sự và nhu cầu của bạn đọc mà các chuyên mục của báo cũng thường xuyên biến đổi cho phù hợp.

Là cơ quan ngôn luận của Trung ương Đảng, báo Nhân dân rất chú trọng đến những nội dung có tính chỉ đạo về chủ trương, đường lối, chính sách cũng như chiến lược cách mạng của Đảng và Nhà nước. Ngay từ số đầu tiên báo đã dành toàn bộ nội dung cho Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II. Ngoài Văn kiện, Tuyên ngôn, Chính cương của Đảng Lao động Việt Nam, báo còn có bài viết của các nhà lãnh đạo Đảng và Nhà nước kêu gọi toàn Đảng, toàn quân, toàn dân thi đua giết giặc lập công, tăng gia sản xuất, tiết kiệm, đưa cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc đến thắng lợi cuối cùng. Mọi diễn biến của cuộc chiến tranh đều được báo phản ánh trên diện rộng, cổ vũ kịp thời tinh thần đấu tranh của quân và dân trong cả nước. Những tấm gương điển hình trong chiến đấu, lao động sản xuất thường xuyên xuất hiện trên mặt báo. Hầu như số nào Nhân dân cũng có bài tố cáo âm mưu, tội ác của kẻ thù.

Bên cạnh chức năng thông tin, báo Nhân dân luôn chú trọng đến việc định hướng dư luận. Trong kháng chiến chống thực dân Pháp bao giờ báo cũng đặt công tác tuyên truyền: phân tích các chủ trương, Nghị quyết của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II lên hàng đầu, góp phần tạo niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng và Nhà nước. Báo cũng thường xuyên có bài bàn về chiến lược cách mạng, các phương pháp đấu tranh vũ trang của các vị tướng lĩnh tài ba như Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Chí Thanh...

Là cơ quan ngôn luận của toàn Đảng, toàn dân, báo Nhân dân có vai trò quan trọng trong việc tuyên truyền về đường lối chính trị của Đảng. Gần 70 năm qua, Báo Nhân Dân đã vẫn giữ vững chức năng là Tiếng nói của Đảng là diễn đàn của nhân dân.

Địa điểm nơi Báo Nhân Dân ra số đầu và Xưởng in Tiến Bộ tại xã Quy Kỳ, huyện Định Hóa là sự kiện có ý nghĩa trong lịch sử sự nghiệp Báo chí nói chung và của Báo Nhân Dân nói riêng.

KHẢNG ĐỊNH SỰ RA ĐỜI CỦA CHI BỘ XÃ AN LẠC

Khảng định sự ra đời của Chi bộ xã An Lạc là sự kiện chính trị quan trọng, có ý nghĩa to lớn đối với phong trào cách mạng địa phương. Nay địa điểm di tích Nơi thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên (30/10/1946) trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp ở xóm Bản Pấu (nay là xóm Hương Bảo 3) xã Quy Kỳ, cần được bảo vệ, phát huy giáo dục truyền thống cách mạng, yêu nước góp phần vào phát triển KT-XH của vùng ATK. Đảng bộ và Nhân dân các dân tộc xã Quy Kỳ đề nghị cơ quan liên quan tổ chức các cấp có thẩm quyền để xếp hạng điển di tích lịch sử cấp tỉnh. Hiện nay, Ủy ban nhân dân xã Quy Kỳ có kế hoạch bảo vệ di tích, khai thác tư liệu, hiện vật nhằm tuyên truyền giáo dục cho nhân dân đặc biệt là cho thế hệ trẻ về tầm quan trọng, ý nghĩa lịch sử để từ đó có ý thức, trách nhiệm bảo vệ phát huy giá trị di tích.

Nơi thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên (30/10/1946) trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp ở xóm Bản Pấu (nay là xóm Hương Bảo 3) xã Quy Kỳ. Nằm trong quần thể Khu di tích ATK Định Hóa nhằm phục vụ du khách thăm quan học tập kinh nghiệm tại vùng khu ATK gió ngàn nơi Bác Hồ và các đồng chí cán bộ Trung ương hoạt động cách mạng trong kháng chiến.

 

 

 

 



Thống kê truy cập

Đang truy cập: 1

Tổng truy cập: 2220541